Ngày 18/5/2022, UBND tỉnh tổ chức Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và tổ chức trao Giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ lần thứ nhất năm 2022.
Tham dự buổi lễ có ông Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng Báo chí về Khoa học và công nghệ lần thứ nhất tỉnh Bắc Giang; lãnh đạo một số Tổng cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải thưởng Báo chí về Khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất năm 2021.

PCT Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn trao giải Nhấtcho nhóm tác giả của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trong suốt 9 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Tỉnh quan tâm làm tốt công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về khoa học và công nghệ, chỉ đạo tổ chức thành công nhiều hội thi, cuộc thi và hội thảo khoa học; tọa đàm, ký kết chương trình phối hợp về khoa học và công nghệ; tổ chức trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu về khoa học và công nghệ; trao bằng chứng nhận bảo hộ sản phẩm trong nước và ngoài nước đối với một số sản phẩm; tôn vinh các tập thể, cá nhân, trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu có những đóng góp cho hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh. Khoa học và công nghệ ngày càng ghi dấu ấn đậm nét trong các mặt của đời sống xã hội.
Trong sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao mà lần đầu tiên được sản xuất ở Bắc Giang như: Apple Watch, máy bay không người lái, một số sản phẩm điện tử, máy tính và phụ kiện, sản phẩm quang học, pin năng lượng mặt trời v.v… Đây là những sản phẩm công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; là những sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất, thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp công nghệ cao.
Trong sản xuất nông nghiệp đã quan tâm ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Hiện nay, Bắc Giang đã xây dựng được 766 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên; Bắc Giang đang hình thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với quy mô gần 50 ngàn ha ha, trong đó Lục Ngạn là nòng cốt với sản phẩm chủ lực vải thiều, cam, bưởi, ổi, táo v.v… được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Bên cạnh đó, Bắc Giang rất quan tâm phát triển sản phẩm chủ lực thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp. Là tỉnh được đứng trong tốp đầu cả nước bảo hộ các quyền về SHTT cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh như: gà đồi Yên Thế, rau Yên Dũng, na dai Lục Nam, bưởi Hiệp Hòa, vú sữa Tân Yên… vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ, cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Trong giai đoạn tới, tỉnh tiếp tục xác định công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ vật liệu mới là những lĩnh vực chủ chốt cần tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, ứng dụng.
Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức Giải thưởng Báo chí về Khoa học và công nghệ (Giải thưởng), theo đó, Giải thưởng được tổ chức 5 năm 2 lần với mục đích nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông về khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang. Ghi nhận và tôn vinh những tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc về hoạt động khoa học và công nghệ. Tạo động lực, phong trào nhằm khuyến khích các phóng viên, cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền về hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và sản xuất kinh doanh. Chia sẻ kinh nghiệm thành công của báo chí trong việc tuyên truyền về khoa học và công nghệ.
Giải thưởng lần thứ nhất được phát động từ tháng 7 năm 2021. Sau 10 tháng phát động, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được 135 tác phẩm của đủ 4 loại hình báo chí gồm báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử, có cả báo chí địa phương, báo chí trung ương, có cả tác giả chuyên và không chuyên. Dù là lần đầu tổ chức nhưng số lượng tác phẩm tham gia nhiều, đa dạng về thể loại, hình thức thể hiện. Các tác phẩm đã tập trung bám sát vào chủ trương, định hướng nghiên cứu, ứng dụng của tỉnh, góp phần quan trọng cổ vũ, phổ biến kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Nội dung chủ yếu của các tác phẩm là biểu dương về các gương trí thức, nhà khoa học tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, phản ánh, kiến giải, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho tỉnh về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuyển đổi số, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, bảo hộ sản phẩm,… Đáng chú ý, nhiều tác phẩm được tác giả lựa chọn từ các công trình, mô hình, giải pháp đoạt giải trong các Giải thưởng Khoa học và công nghệ, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh, các đề tài, dự án khoa học và công nghệ để làm đề tài.
Ban Tổ chức Giải thưởng đã lựa chọn trao giải cho 20 tác phẩm xuất sắc nhất bao gồm 1 giải A, 2 giải B, 4 giải C, 8 giải Khuyến khích và 5 giải phụ trao cho tác giả không chuyên, tác giả có nhiều tác phẩm tham gia. Trong đó giải A được trao cho nhóm tác giả Thu Quỳnh, Thanh Nhàn, Thanh An, Anh Vũ của Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam với cụm bài Khoa học và công nghệ- Con đường duy nhất nâng cao giá trị nông sản; 2 giải B được trao cho tác giả La Thế Đại của Báo Bắc Giang với nhóm tác phẩm Nhà màng, nhà lưới công nghệ cao và tác phẩm Từ chính quyền điện tử đến chính quyền số- Bước chuyển của Bắc Giang của nhóm tác giả Bích Ngọc, Hữu Tuấn Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang. a
Nguyễn Hồng Sơn
Bài viết được đăng trên Trung tâm Tư vấn Phát triển Nông thôn và Hợp tác xã